Huỳnh Hữu Võ "Men đời còn xanh trên lá cây"
Huỳnh Hữu Võ "Men đời còn xanh trên lá cây"
* LÊ NGỌC TRÁC
"Tháng giêng gió thổi mù như khói Qua cầu giỡn bóng với sông sâu Nước đục hay lòng ta vẩn đục Từ nguồn xuôi hay lúc chảy qua cầu"
Mỗi khi có ai đọc bốn câu thơ trên của Huỳnh Hữu Võ trong bài thơ "Tháng Giêng ngồi giỡn bóng mình", tôi lại liên tưởng đến Phan Rí thuộc tỉnh Bình Thuận. Nơi đây là quê hương của nắng và gió. "Gió" đã đi vào ca dao, hò vè của vùng đất miền duyên hải Cực Nam Trung Bộ: "Tháng Giêng rộng dài. Tháng Hai động tố. Tháng Ba nồm rộ..." Và, mỗi khi có dịp đi ngang qua Phan Rí tôi lại chợt nhớ đến bài thơ "Ngày trở lại Phan Rí" của Huỳnh Hữu Võ:
"Tôi về Phan Rí qua vườn táo Cắn trái vàng thơm ngọt đượm tình Cắn trái xanh chua lòng thiếu nữ Men đời còn xanh trên lá xanh.
Lưu lạc bao năm lòng vẫn nhớM ái nhà khóm táo của ngày xưa Ở đây gió cát như dòng chảy Đời lún sâu khi biển mất mùa.
Tôi về Phan Rí đi xe ngựa Qua cầu, qua cầu đến làng Chăm Chiêm nữ đội vò đi lấy nước Dưới đồi đồng lúa trải mênh mông.
Như có chút gì còn sót lại Một thời hưng thịnh thuở vàng son Tôi thấy hình như trong đáy mắt Chiêm nữ còn in nét tủi hờn.
Tôi về Phan Rí bơi thuyền nhỏ Qua dòng sông Lũy lặng lờ trôi Bèo mây có lúc tan rồi hợp Tôi lại về đây lúc nửa đời.
Bên kia một dãy đồi Xích Thố Đồi đứng mà như ngựa ruỗi rong Phải chăng xưa đó là trận mạc Nên cát đồi trắng cứ đỏ hồng.
Bao năm tôi lại về Phan Rí Thăm mấy người thân mấy bạn thơ Lớp trước thầy cô đâu cả nhỉ Trường xưa buồn vắng bóng người xưa".
Một câu thơ trong bài thơ hay của một tác giả thành danh làm cho chúng ta nhớ đến một vùng đất. Khi một địa danh đã đi vào thơ gắn liền với tên tuổi của một nhà thơ. Điều này chứng tỏ thơ Huỳnh Hữu Võ đã đi vào lòng người yêu thơ và quê hương Phan Rí của anh đã đi vào thơ.
Từ năm mười tám đôi mươi, với các bút danh: Hoàng Thị Dậu, Hoa Đất Nắng, Thi Vũ Hà Như... Huỳnh Hữu Võ đã có thơ xuất hiện trên các báo, tạp chí văn học miền Nam. Năm 1966, Tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Năm ở Sài Gòn đã đăng bài thơ "Đi vào quê hương" của Huỳnh Hữu Võ đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, được các ca sĩ Diễm My, Khánh Ly và nhiều ca sĩ thời bấy giờ thường xuyên trình bày trên đài phát thanh và các phòng trà ca nhạc. Bài thơ phản ảnh một thời đau khổ, chết chóc, bi thương trong chiến tranh:
"... Tôi vào quê hương bằng đường nước mắt Nước mắt bạn bè nước mắt anh em Tôi lội tôi bơi mệt nhoài trong đó Máu long đầu tôi chảy xuống ruột mềm..."
Bước khởi đầu thành công tạo cho Huỳnh Hữu Võ gắn bó đời mình với thơ ca. Anh xem sáng tác thơ như một cái nghiệp của đời mình. Làm thế nào để thơ ở lại trong lòng người đọc? Đây là nỗi trăn trở của Huỳnh Hữu Võ trên con đường sáng tạo thơ ca. Chính vì vậy anh không ngừng tìm tòi sáng tạo. Đọc thơ Huỳnh Hữu Võ, người đọc cảm nhận anh viết bằng cảm xúc chân thành, thấm đẫm tình cảm. Huỳnh Hữu Võ chú trọng đến giai tiết, nhịp điệu của thơ. Trong thơ anh có nhạc, có họa. Trên nền thơ truyền thống, Huỳnh Hữu Võ đã đưa hơi thở thời đại vào thơ, tạo ra sức sống mới, thu hút người đọc:
"Em nằm trên võng đong đưa Trong em như đổ cơn mưa đầu ngày Đưa đưa sợi nhớ bay bay Cho đêm mộng rớt cho ngày mơ tan. Đưa đưa chiếc lá thu tàn Cho xanh bím tóc cho vàng heo may Đưa đưa em giấc mộng dài Võng say hương tóc em say hương đời.
Đưa đưa sương đọng vành môi Giáo đường xưa rụng mấy lời thánh ca Đưa đưa khóm trúc bên nhà Vẳng nghe tiếng sáo từ xa xưa buồn.
Đưa đưa một cuộc đời thường Tàn xuân pha chút tàn hương đầm đầm Đưa đưa mắt mỏi mòn trông Chút ngây thơ dở chút bồng bột tan.
Đưa đưa từng chiếc lá vàng Bèo mây xưa giấc mộng tan tác rồi Đưa đưa giấc ngủ trong nôi Ngày xưa mẹ hát, à ơi... ví dầu...
Bây giờ nằm võng võng sâu Võng đưa tình cũ tình đầu tình tan Bây giờ tím lạnh vườn hoang Nằm nghe chim hót trên lan can đời". ("Nhịp võng đưa tình")
Những người xa quê hương bắt gặp tâm trạng của chính mình trong thơ Huỳnh Hữu Võ. Chỉ với bốn câu thơ đạt giải thưởng thơ Tứ Tuyệt của tạp chí Kiến Thức Ngày Nay (2009 - 2010), Huỳnh Hữu Võ đã làm cho lòng chúng ta rưng rưng khi vọng về miền cố thổ:
"Bao năm cơm áo Sài Gòn Nghe man mác nhớ nghe mòn mỏi trông Nghe da diết khói đốt đồng Nghe rưng rức tiếng chim cồng cộc kêu" ("Nỗi nhớ quê")
Đến năm 2016, Huỳnh Hữu Võ đã bước vào tuổi "xưa nay hiếm". Anh đã có hơn 50 năm gắn bó đời mình với thơ. Nhìn lại gia tài sáng tác của Huỳnh Hữu Võ, chúng ta thấy anh như người nông dân cần mẫn trên cánh đồng và đã gặt được nhiều mùa vui. Đến hôm nay, Huỳnh Hữu Võ đã xuất bản được 3 tập thơ, gồm: Tháng Giêng gió thổi mù như khói, Biển chỉ một bờ, Vịn tay vào gió. Thơ Huỳnh Hữu Võ còn hiện diện trong 74 tuyển tập thơ, 34 tuyển tập nhạc trong và ngoài nước. Riêng thơ anh đã có trên 150 bài thơ được phổ thành ca khúc. Nhiều nhạc sĩ tên tuổi đã chắp cánh cho thơ của anh bay cao, bay xa, tiếp cận và ở lại trong lòng người yêu thơ, yêu nhạc. Huỳnh Hữu Võ là một trong những nhà thơ có thơ được phổ nhạc nhiều nhất trong nước.
Cuộc sống có lúc vui, lúc buồn. Những người yêu thơ Huỳnh Hữu Võ - người con thân yêu của quê hương Phan Rí đều cảm nhận "men đời còn xanh trên lá cây" trong thơ của anh.
Lê Ngọc Trác La Gi, 17/05/2016 Trong Hình :Nhà thơ Huỳnh Hữu Võ |